Định nghĩa các thông số cơ bản của tàu hàng rời

Định nghĩa về các thông số cơ bản của tàu hàng rời:

  • Lượng dãn nước (Displacement – D): Là trọng lượng của phần thể tích nước mà tàu chiếm chỗ
  • Trọng lượng tàu không (Light Ship): Là toàn bộ trọng lượng tàu không, bao gồm vỏ, máy, các trang thiết bị, phụ tùng…. nhưng không bao gồm nhiên liệu, nước ngọt (trừ nước trong nồi hơi).
  • Trọng tải tổng cộng (Deadweight – Dwt): Là trọng lượng tính bằng tấn của hàng hóa, nhiên liệu, nước ngọt, thuyền viên, hành khách, lương thực, thực phẩm, hằng số tàu…được chở trên tàu (thường được tính đến đường mớn nước mùa hè).
  • Dung tích toàn phần (Gross Tonnage – GT): Là một đại lượng không có thứ nguyên và là hàm số của tất cả các thể tích lý thuyết của tất cả các không gian kín của tàu.
    GT = K1 x V
    Trong đó:
    + K1 là hệ số được tra trong bảng của Công ước Quốc tế về đo dung tích tàu biển
    Tonnage-69 với đối số là V.
    K1 = 0,2 + 0,02.Log10 .V
    + V là tổng thể tích của các không gian kín của tàu (m3), tất cả các không gian được bao bọc bởi thân tàu, các kết cấu ngăn dọc, các vách cố định hay di động, các boong hoặc các nắp đậy trừ các mái che cố định hay di động.
  • Dung tích có ích (Net Tonnage – NT): Là một đại lượng không có thứ nguyên và là hàm số của tất cả các thể tích lý thuyết của tất cả các không gian dành cho chứa hàng của tàu, của chiều cao mạn, chiều chìm tàu và số hành khách được phép chuyên chở.
  • Gross Tonnage và Net Tonnage được cho trong hồ sơ tàu và có trong Giấy chứng nhận dung tích của tàu (International Tonnage Certificate). Đây là các thông số khai thác quan trọng của tàu. Các giá trị này thường làm cơ sở để tính các loại lệ phí của tàu (cảng phí, hoa tiêu phí, phí lai dắt…) cũng như tính độ lớn của đội tàu thuộc một Công ty hay của Quốc gia.
Kính thước cơ bản của tàu
  • Chiều dài toàn bộ (Length Over All – LOA): Là chiều dài lớn nhất tính theo chiều dọc tàu. Kích thước này rất quan trọng đối với việc bố trí cầu bến cũng như trong quá trình điều động tàu.
  • Chiều dài tính toán (Length Between Perpendicular- LBP): Là khoảng cách trên đường nước mùa hè từ mép trước của sống mũi tàu tới mép sau của trụ đỡ bánh lái hoặc tới tâm của trục bánh lái nếu không có trụ đỡ bánh lái. Các đường thẳng đứng đi qua giao điểm của đường nước mùa hè với các điểm nói trên tại mũi và lái được gọi là các đường vuông góc mũi (Forward Perpendicular-FP) và đường vuông góc lái (After Perpendicular-AP).
    Kích thước này phục vụ cho việc tính toán và hiệu chỉnh mớn nước, xác định hiệu số mớn nước và làm giám định mớn nước để tính toán hàng hóa. Ngoài ra LBP còn dùng trong phép tính, hiệu chỉnh số đo hoặc tính toán khoảng trống thực trong két chứa chất lỏng.
  • Chiều rộng lớn nhất (Maximum Breadth): Là khoảng cách lớn nhất tính theo chiều ngang tàu.
  • Chiều sâu định hình (Depth Moulded): Là khoảng cách thẳng đứng ở giữa tàu đo từ đỉnh sống chính đến mép dưới của boong chính.
  • Chiều cao mạn (Height-H): Là chiều cao tính từ mép dưới ky tàu đến mép trên của vạch dấu đường boong chính.

Công ty TNHH IMI Việt Nam

Các tin bài liên quan